GIẢI ĐÁP CÂU HỎI HỘI THẢO P&Y NGÀY 16/12/2024

Câu 1. Đối với các trại có dịch PRRS trên nái, khi heo con nhiễm sớm virus PRRS, thường xảy ra tình trạng heo bị phát bệnh hô hấp phức hợp như viêm khớp, co giật, ho, viêm phổi ngay sau khi tiêm các loại vaccine như CSF, FMD, PRDC, APP ở giai đoạn 5 – 10 tuần tuổi. Khi xảy ra tình trạng này Trại nên làm gì để giảm thiểu thiệt hại?

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hải trả lời:

Tình trạng heo bị phát bệnh hô hấp phức hợp như viêm khớp, co giật, ho, viêm phổi ngay sau khi tiêm các loại vaccine như CSF, FMD, PRDC, APP ở giai đoạn 5 – 10 tuần tuổi cho thấy có thể heo đã nhiễm một số loại vi khuẩn như: Streptococcus, Haemophillus, M. hyorhinis, APP… hoặc đồng nhiễm PCV2, và yếu tố điều kiện để heo phát bệnh lâm sàng trong tình huống này đó là: (1) Heo nhiễm sớm PRRSV; (2) Áp lực phản ứng miễn dịch sau khi tiêm các loại vaccine; (3) Giai đoạn lỗ hổng miễn dịch (kháng thể mẹ truyền đã cạn nhưng miễn dịch chủ động chưa được tạo thành đủ); (4) Điều kiện môi trường và chăm sóc chưa phù hợp. Như vậy để giảm thiểu thiệt hại trong tình huống này Trại cần thực hiện một số việc sau đây: (1) Khắc phục trước hết những sai sót về điều kiện chuồng trại, tiểu khí hậu, chăm sóc, mật độ, miễn dịch mẹ truyền nhất là miễn dịch qua sữa đầu… để kéo dài và ổn định miễn dịch mẹ truyền, giảm thiểu áp lực dịch bệnh (chú ý vệ sinh – tiêu độc, thông thoáng khí tốt) để giảm thiểu áp lực mầm bệnh lây truyền và hạn chế sự xâm nhập và lan truyền của các vi khuẩn và virus gây bệnh; (2) Tăng cường miễn dịch tự nhiên của đàn bằng việc bổ sung các chế phẩm như beta glucan ngay từ sau khi cai sữa. Trước, trong và sau thời điểm nguy cơ xuất hiện (thời tiết thay đổi, tiêm vaccine) nên tăng cường tiêm vitamin ADE, bổ sung vitamin C, B để hỗ trợ miễn dịch; (3) Trước thời điểm nguy cơ xuất hiện (thời tiết thay đổi, tiêm vaccine) khoảng 1 tuần, bổ sung kháng sinh vào thức ăn hoặc nước uống để giảm thiểu áp lực dịch bệnh do vi khuẩn; (4) Điều chỉnh quy trình tiêm vaccine, tránh tiêm 2 loại vaccine quá gần nhau, tốt nhất vẫn nên cách một tuần và chọn thời điểm mát nhất trong ngày để tiêm vaccine; (5) Trại nên định hướng giải pháp, xây dựng chương trình vaccine và an toàn sinh học kiểm soát đàn sinh sản và heo con theo mẹ âm tính với PRRSV. Trong trường hợp bệnh xảy ra sau khi tiêm vaccine Trại phải cấp kháng sinh (tuỳ thực tế sử dụng kháng sinh của trại) liều điều trị trong vòng 2 tuần, kết hợp kháng viêm, bổ sung vitamin B, C, ADE và khoáng, tăng cường thông thoáng khí, nhiệt độ chuống không cao hơn 30OC, tiêu độc không khí chuồng, giảm mật độ nuôi nếu có thể.

Câu 2. Để hạn chế tình trạng tái tổ hợp hiện lưu hành của virus giống vaccine (PRRS like vaccine). Theo Thầy tiêu chí nào của 1 vaccine PRRS cần phải có để đảm bảo điều kiện này?

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hải trả lời:

Thực tế cho thấy sự xuất hiện chủng tái tổ hợp ở PRRSV cần có điều kiện nguy cơ sau: (1) Sự lưu hành của PRRSV thực địa và (2) cùng lúc với sự hiện diện của chủng virus vaccine PRRSV sống nhược độc. Điều này có nghĩa nếu muốn hạn chế tình trạng tái tổ hợp ở PRRSV kiểm soát cùng lúc 2 yếu tố trên. Như vậy nếu xét về tiêu chí của vaccine để hạn chế tình trạng tái tổ hợp của PRRSV vaccine thì đó là virus vaccine không nhân lên hoặc nhân lên yếu và không lưu nhiễm trong cơ thể heo được tiêm vaccine trong thời gian dài. Để đáp ứng điều kiện này có lẽ chỉ có vaccine chết hoặc vaccine tiểu phần. Tuy nhiên, vaccine PRRSV chết dù có ưu điểm tuyệt đối là an toàn, không có nguy cơ gây nên sự tái tổ hợp giữa chủng virus thực địa và chủng virus vaccine, nhưng lại có hiệu quả kém trong việc kiểm soát và phòng chống PRRSV. Vaccine PRRSV chết chỉ phát huy hiệu quả phòng bệnh khi kết hợp với quy trình tiêm vaccine PRRSV sống nhược độc. Vaccine tái tổ hợp chưa được triển khai trong thực tế. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nếu quy trình tiêm vaccine PRRSV sống nhược độc và an toàn sinh học được thực hiện phù hợp với đặc điểm dịch tễ PRRSV tại trại thì có thể chuyển đàn nhiễm PRRSV từ không ổn định sang ổn định và thậm chí âm tính với PRRSV sau một thời gian. Điều này có nghĩa là nếu kết hợp an toàn sinh học đúng và thực hiện đúng thì chiến lược tiêm vaccine PRRSV sống cũng có thể giúp loại trừ nguy cơ tái tổ hợp. Như vậy, nếu muốn hạn chế tình trạng tái tổ hợp ở PRRSV hiện nay nên thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để kiểm soát sự xâm nhập, lưu nhiễm, lan truyền PRRSV chủng thực địa, giữ đàn nái sạch với PRRSV, kết hợp với quy trình tiêm vaccine phù hợp theo đặc điểm dịch tễ của trại, kiểm soát bội nhiễm và yếu tố nguy cơ ngăn chặn dịch PRRS.

Câu 3. Virus PRRS thường tấn công trên heo con sau cai sữa (6 – 10 tuần tuổi). Tuy nhiên, nguy cơ heo âm tính PRRSV chuyển về trại cai sữa dương tính với PRRSV rất cao. Theo Thầy làm thế nào để xây dựng quy trình kiểm soát PRRS ở trại này có hiệu quả cao nhất (ưu tiên ATSH)?

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hải trả lời:

Để kiểm soát tình trạng heo cai sữa âm tính PRRSV bị lây nhiễm khi chuyển về trại cai sữa dương tính với PRRSV, có lẽ cách tốt nhất là: (1) Không nên chuyển heo cai sữa âm tính PRRSV về trại cai sữa dương tính với PRRSV; (2) Nếu không có lựa chọn (1) thì heo cai sữa âm tính PRRSV phải được nuôi nhốt riêng trong nhà heo âm tính với PRRSV; (3) Thực hiện an toàn sinh học trong chống lây nhiễm chéo giữa các nhà heo/ chuồng heo; (4) Thiết kế chuồng theo hướng chia nhỏ số heo được nuôi nhốt trong cùng một ô chuồng (20 – 30 heo/ ô chuồng)/ dãy chuồng/ nhà heo; (5) Mật độ nuôi nhốt phù hợp, tiểu khí hậu tốt; (6) Vệ – sinh tiêu độc không gian (không khí) chuồng định kỳ hàng tuần trong giai đoạn nguy cơ (6 – 10 tuần tuổi); (6) Chỉ cấp thuốc theo đường ăn/ uống; (7) Tiêm vaccine không dùng kim; (8) Phát hiện sớm, cách ly và loại thải tất cả heo có biểu hiện bệnh và điều trị không hiệu quả sau 3 ngày; (9) Kiểm soát đồng nhiễm – bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp bằng vaccine hoặc kháng sinh (1 tuần trước và sau giai đoạn nguy cơ); (10) Thực hiện tốt quy trình nhập đàn sau cai sữa, kiểm soát stress, rối loạn tiêu hoá gây tiêu chảy sau cai sữa; (11) Tăng cường miễn dịch tự nhiên của đàn bằng việc bổ sung các chế phẩm như beta glucan ngay từ sau khi cai sữa. Trước, trong và sau thời điểm nguy cơ nên tăng cường tiêm vitamin ADE, bổ sung vitamin C, B để hỗ trợ miễn dịch.

Câu 4. Hiện nay heo sau cai sữa rất dễ bị bệnh giống PRRS và xét nghiệm chẩn đoán đều tìm thấy có PRRSV, M. hyorhinis, M. suis… Theo Thầy, xếp theo thứ tự nguy cơ và ưu tiên kiểm soát thì ta nên làm gì với bệnh nào trước và bệnh nào sau?

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hải trả lời:

Rất khó để có thể trả lời chính xác thứ tự nguy cơ và ưu tiên kiểm soát đối với các tác nhân gây bệnh như trong trường hợp được nêu: PRRSV, M. hyorhinis, M. suis… Xin chia sẻ ý cơ bản như sau: (1) Đối với nguy cơ lây truyền và bệnh thì xem xét khả năng nhiễm sớm – muộn của các tác nhân. PRRSV và M. suis có nguy cơ cao lây truyền qua máu, từ mẹ sang con ngay ở giai đoạn mang thai và sơ sinh. M. hyorhinis thường lây nhiễm từ heo mẹ qua tiếp xúc sau khi heo con sinh ra. Như vậy, nếu đàn sinh sản nhiễm PRRSV hay M. suis thì heo con gần như chắc chắn sẽ nhiễm sớm sơ sinh và nguy cơ sẽ cao hơn. Lúc này ưu tiên kiểm soát sẽ là PRRSV và M. suis trên đàn nái, và kiểm soát M. hyorhinis sau khi sinh (thường là giai đoạn muộn ở thời kỳ theo mẹ và sau cai sữa); (2) Ưu tiên kiểm soát theo mức áp lực dịch bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh trên đàn heo. Khi xét nghiệm mẫu máu/ phổi, kết quả dương tính với PRRSV và M. suis heo có thể được ghi nhận ở cả heo không và có biểu hiện lâm sàng. Trong khi đó, M. hyorhinis xét nghiệm dương tính thường chỉ gặp ở những mẫu heo có biểu hiện lâm sàng, nghĩa là khả năng cao heo/ đàn heo đang bị bệnh do M. hyorhinis là chính. Ưu tiên kiểm soát trong tình huống này có lẽ là thực hiện phác đồ điều trị bệnh do M. hyorhinis. Do M. hyorhinis M. suis đều có thể điều trị được bằng kháng sinh nhóm tetracyclin và điều trị hiệu quả cao qua đường máu, và thiệt hại do PRRSV thường do vi khuẩn bội nhiễm gây bệnh trên đường hô hấp, nên nếu dùng kháng sinh điều trị thì có lẽ nên chọn phương án kháng sinh phối hợp có hiệu quả đồng thời đối với M. hyorhinis, M. suis và các vi khuẩn bội nhiễm gây bệnh trên đường hô hấp.

Câu 5. Thẻ vận chuyển serum một lần làm được bao nhiêu mẫu? Nếu dùng card này thì mẫu máu vận chuyển có khác mẫu huyết thanh không?

Đại diện công ty Khoa học Hợp Nhất trả lời:

– 1 thẻ này sẽ dùng được cho 5 mẫu (máu hoặc serum), mỗi mẫu giữ riêng trong 1 que mẫu.

– Đối với mẫu serum, bơm serum vào vị trí nạp mẫu. Mẫu sẽ đi vào que. Lúc sử dụng chỉ cần cắt que và sử dụng.

– Đối với mẫu máu, khi bơm máu vào vị trí nạp mẫu, serum sẽ tách khỏi mẫu và di chuyển vào vị trí tương ứng trên que. Khi sử dụng chúng ta sẽ cắt que đoạn chứa serum và sử dụng. Việc này giúp chúng ta không cần thực hiện bước ly tâm để thu serum từ mẫu máu như phương pháp truyền thống.

Hình ảnh minh họa về serum card

Câu 6. Thời gian tách chiết của 1 mẻ/lần chạy trên hệ thống Indimag 2?

Đại diện công ty GETZ BROS & CO (VIỆT NAM) trả lời:

Quy trình tách chiết tự động trên hệ thống Indmag 2 được tối ưu hóa các bước thực hiện bằng cách rút ngắn các bước wash (rửa) xuống còn 2 bước (kể cả các nền mẫu khó). Tổng quy trình tách chiết chỉ 4 bước.

Bộ kit tách chiết dạng ready to use (trộn sẵn hóa chất tách chiết vào plastic well plates) giúp kỹ thuật viên tiết kiệm thời gian chuẩn bị mẫu.

Như vậy: Tùy thuộc vào nền mẫu tách chiết, protocol của bộ kit mà thời gian tách chiết trên Indimag 2 tối đa 45 phút. (từ 30 – 45 phút).

Câu 7. Cơ chế chống văng hóa chất của Indimag 2 giúp hạn chế lây nhiễm trong quá trình tách chiết?

Đại diện công ty GETZ BROS & CO (VIỆT NAM) trả lời:

Vật liệu nhựa (plastic well plate) mà Indical sử dụng được thiết kế giảm bám dính giúp hóa chất và mẫu luôn đảm bảo nằm gọn trong giếng phản ứng. Chiều cao của giếng được thiết kế và tính toán phù hợp với thể tích phản ứng kết hợp với cảm biến cơ chế chống tràn giúp người dùng luôn kiểm soát được lượng hóa chất và an toàn trong quá trình phản ứng.

Câu 8. Nhiệt độ bảo quản bộ kit tách chiết Indical?

Đại diện công ty GETZ BROS & CO (VIỆT NAM) trả lời:

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển, lưu trữ và sử dụng. Tất cả các bộ kit tách chiết của Indical (bao gồm bộ kit dạng ready to use và bộ kit rời) đều bảo quản ở nhiệt độ phòng.

 

Tổng hợp bởi
Team P&Y